Tin tức & Sự kiện
Một câu trả lời kinh điển mà có lẽ bạn đã nghe được khi tìm việc là “hãy theo đuổi đam mê”. Một ý tưởng có vẻ đơn giản, nhưng việc xác định và theo đuổi chính xác thứ bạn đam mê có thể không dễ chút nào.
Bởi tìm kiếm đam mê là một hành trình liên tục, đôi khi là cả đời. Bạn cần nhiều thời gian suy ngẫm, chú ý và hành động để tìm ra chủ đề, hoạt động và ngành khiến bạn thấy hứng thú. Cách gắn đam mê với cuộc sống ở mỗi người vì thế rất khác nhau.
Tại sao tìm ra đam mê của mình là việc quan trọng?
Theo cuộc khảo sát của tạp chí Indeed, 60% nhà tuyển dụng tin rằng việc thiếu đam mê trong công việc khiến một số nhân viên không làm tốt. Và 76% nhà tuyển dụng không cho rằng có thể “học được” đam mê, có nghĩa là việc cân nhắc đến thiên hướng, điều bạn thực sự hứng thú khi nghĩ về sự nghiệp lâu dài của bản thân là rất quan trọng.
Một số người chọn theo đuổi đam mê vào ngoài giờ hành chính, trong khi những người khác lại muốn dành trọn giờ làm việc cho đam mê. Lựa chọn bạn đưa ra phụ thuộc vào niềm đam mê của bạn là gì, nó có dễ dàng chuyển thành một sự nghiệp bền vững hoặc bạn có muốn tiền lương gắn với đam mê của mình không?
Và một sự thực là ngày nay, sinh viên ra trường ngày càng ưu tiên đam mê hơn lương.
Khi bạn đam mê những gì mình làm, thì công việc không còn là việc vặt, làm cho có, mà có thể trở thành một trong những lý do quan trọng làm nên cuộc sống viên mãn. Kể cả bạn mới chỉ bắt đầu suy nghĩ về sự nghiệp, hay đang bế tắc trong công việc, hay đang muốn xoay chuyển nghề nghiệp, thì không bao giờ là quá muộn hoặc quá sớm để xác định chính xác đam mê của mình.
Làm thế nào để tìm thấy nghề nghiệp bạn đam mê?
Cách tốt nhất để xác định điều bạn đam mê là chú ý. Mỗi ngày, bạn có thể hào hứng, thích thú hoặc hài lòng với một số chủ đề, nhiệm vụ hoặc hoạt động nhất định. Hãy xem xét thật kỹ những gì có thể mang lại niềm đam mê cho bạn trong cuộc sống hàng ngày.
Có sáu bước bạn có thể làm theo để xác định niềm đam mê của mình:
1. Tìm kiếm điểm sáng trong ngày của bạn
Có thể có một ngày nhất định trong tuần hoặc thời gian trong ngày mà bạn mong đợi vì lý do nào đó. Có thể đó là một cuộc gặp, nhiệm vụ hoặc thời gian mà bạn tự đặt ra cho bản thân. Bạn cũng có thể nhận ra có những điều bất ngờ hoặc những khoảng thời gian ngoài dự tính lại chính là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong ngày. Hãy chú ý những điều tạo thành điểm sáng trong ngày của bạn, dù quan trọng hay tầm thường.
Nhiều điểm sáng trong số này có thể xảy ra trong quá trình làm việc, nhưng cũng có thể xảy ra lúc khác, như trong thời gian bạn dành cho bản thân, bạn bè và gia đình. Ghi chú lại địa điểm và đối tượng mà điểm sáng của bạn xuất hiện sẽ giúp bạn khám phá liệu đam mê của mình liên quan đến sự nghiệp hay những phần khác của cuộc sống.
2. Chú ý đến những gì bạn ưu tiên thời gian và tiền bạc
Chúng ta có xu hướng tập trung nguồn lực vào những thứ có ý nghĩa đối với chúng ta, bao gồm cả thời gian và tiền bạc. Nhìn lại ví điện tử, lịch sử thanh toán trong tài khoản ngân hàng và xem liệu có mẫu số chung nào không. Xem các nội dung sách, tạp chí, phim hoặc chương trình giải trí mà bạn thưởng thức. Ghi lại cách bạn đang sử dụng thời gian rảnh và những hoạt động nào mang lại cho bạn niềm vui. Cuối cùng, hãy đánh giá đâu là thể loại, đối tượng hoặc chủ đề cụ thể mà bạn yêu thích và đam mê. Lưu ý rằng những sở thích đã gắn bó với bạn trong suốt nhiều năm có thể liên quan đến đam mê nhiều hơn so với những chủ đề và sở thích mới gần đây.
3. Để ý các chủ đề mà bạn thích dạy hoặc trao đổi với người khác
Xem xét các tương tác của bạn với mọi người. Bạn thích kiểu trò chuyện nào nhất? Bạn có thấy mình đặc biệt sôi nổi khi nói về một chủ đề cụ thể nào không? Cân nhắc bất kỳ đầu việc hoặc chủ đề nào mà bạn có xu hướng dạy lại người khác có thể sẽ có ích. Đây thường là những thứ quan trọng nhất đối với mỗi người.
4. Suy nghĩ về điểm mạnh của bạn
Dành thời gian xác định cả kỹ năng mềm và kỹ năng cứng có thể giúp bạn hiểu những điều bạn đã dành đủ thời gian và nguồn lực để phát triển tài năng. Ngoài ra, có thể có một vài kỹ năng bản năng khiến bạn cảm thấy tự tin và có động lực khi hoàn thành một số nhiệm vụ nhất định.
5. Kiểm tra các chi tiết
Khi khám phá những điều thu hút sự chú ý của bạn một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày, bạn cũng có thể dành thời gian để phân tích chi tiết những điều bạn đam mê đó là gì. Ví dụ: bạn có thể thấy rằng điểm sáng nhất trong ngày của bạn là khi tình nguyện dạy học cho các lớp học ngoại khóa, các workshop... Vậy chính xác thứ gì khiến bạn hạnh phúc từ hoạt động này? Đó có thể là:
- Công việc dạy học
- Dành thời gian cho một chủ đề nào đó
- Trở thành một người lãnh đạo trong một tập thể
- Giúp đỡ những người khác
Suy nghĩ các yếu tố trên một cách sâu sắc có thế mất thời gian, nhưng có thể giúp bạn xác định được chính xác điều gì thúc đẩy bản thân. Hành động này có thể tìm ra cơ hội làm việc mà bạn thực sự thấy hứng thú.
6. Khám phá các hướng phát triển sự nghiệp
Khi đã khoanh vùng được một số sở thích, hãy dành thời gian khám phá những công việc khác nhau. Biết đâu bạn có thể tìm thấy những cơ hội mở tương đồng với sở thích, năng khiếu của mình? Đọc kỹ các mô tả công việc có thể chỉ ra các yếu tố thu hút của công việc đó. Lọc theo Ngành nghề, Kỹ năng mà bạn thấy thú vị cũng giúp bạn tìm được những vai trò, công việc khác thậm chí còn phù hợp hơn hoạch định ban đầu.
Trong trường hợp bạn thấy rằng niềm đam mê của mình không phải là sự nghiệp để theo đuổi, bạn vẫn có thể sử dụng những dữ liệu đã sàng lọc được để định hướng tìm việc. Ví dụ, nếu bạn phát hiện ra niềm đam mê của mình là dành thời gian với gia đình, bạn có thể tìm những công việc với thời gian linh hoạt. Khám phá niềm đam mê của bản thân cũng có thể giúp quyết định xem mức lương, lợi ích hoặc những kiểu công việc tối ưu cho lối sống của bản thân.
Dành thời gian xác định những thứ khiến bạn thỏa mãn, thích thú, có động lực trong cuộc sống là chìa khóa để tìm được niềm đam mê. Tìm kiếm cơ hội việc làm và vai trò gây hứng thú với bạn sẽ giúp chuyển niềm đam mê thành sự nghiệp.