Yếu tố sống còn giúp các doanh nghiệp thu hút và giữ chân người tài: 74% lao động đều quan tâm, ngay cả nhân sự cấp cao cũng coi trọng hàng đầu

09:25:06 24/02/2021

Trải qua một năm Covid-19 đầy biến động, người lao động vẫn khá lạc quan vào thị trường nhân sự trong năm 2021.

Mới đây, Navigos Group công bố báo cáo về "Thị trường Nhân sự 2021: Cơ hội việc làm – Thách thức trong tuyển dụng và Mức lương hiện hành của người lao động". Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát gần 6.000 ứng viên khoảng 35 ngành trên thị trường.

Trong năm 2020, thị trường lao động đã chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19. Bản khảo sát cho thấy có 26% ứng viên tham gia cho biết họ bị cắt giảm lương ở nhiều mức khác nhau, từ 10% - 50% so với trước khi có dịch Covid-19.

Trong đó, các ứng viên cấp cao như Ban điều hành, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19. 40% người tham gia khảo sát thuộc nhóm ứng viên này cho biết mức lương của họ bị cắt giảm ở nhiều tỷ lệ khác nhau. Xếp thứ hai là nhóm Giám đốc/Phó Giám đốc.

Bên cạnh đó, chỉ có 30% người tham gia khảo sát cho biết họ hài lòng với chế độ phúc lợi hiện tại. Mức độ hài lòng giữa các nhóm ứng viên cũng có sự khác biệt. 50% nhóm ứng viên cao cao cấp hài lòng với phúc lợi và đãi ngộ mà doanh nghiệp đang áp dụng, trong khi con số này ở nhóm ứng viên cấp trung là 25%.

Yếu tố sống còn giúp các doanh nghiệp thu hút và giữ chân người tài: 74% lao động đều quan tâm, ngay cả nhân sự cấp cao cũng coi trọng hàng đầu - Ảnh 1.

Dù vậy, báo cáo cũng cho thấy người lao động vẫn khá lạc quan vào thị trường nhân sự trong năm 2021. Theo Navigos Group, có đến 52% ứng viên cho biết họ sẽ tìm việc trong 3-6 tháng tới.

Khi chuyển việc, người lao động quan tâm nhất tới lương, thưởng và chế độ phúc lợi, với 74% người khảo sát đồng tình. Yếu tố này cũng là thách thức đối với doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, khi có tới 45% số người được hỏi coi đây là yếu tố đứng đầu khiến họ hài lòng với công việc hiện tại. Đứng ngay sau đó là địa điểm làm việc và công việc ổn định đều chiếm 43%.

Các ứng viên cấp thấp như sinh viên mới ra trường, lao động có kinh nghiệm, trưởng phòng, nhà quản lý… đề cao nhất lần lượt 3 yếu tố: lương thưởng chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến và cơ hội đào tạo. Trong khi đó, nhóm ứng viên cấp cao như Tổng giám đốc, Phó Tổng Giám đốc lại quan tâm hơn cả đến chế độ lương thưởng phúc lợi, cơ hội cân bằng công việc và cuộc sống và phong cách quản lý.

Sau một năm 2020 có phần ảm đạm, 61% số người được khảo sát kỳ vọng vào việc tăng lương từ 3-20% trong năm 2021. Chỉ 10% ứng viên nghĩ lương sẽ giảm. Nhóm nhân viên cấp trung (giám sát, trưởng nhóm…) là phân khúc đề xuất tăng lương nhiều nhất, chiếm hơn 65%.

Tháng lương thứ 13 đang đứng đầu về các khoản thưởng hay phúc lợi mà người lao động đang được hưởng với 82% ý kiến của ứng viên tham gia khảo sát. Tiếp theo là các phúc lợi về sức khỏe và y tế (51%), phụ cấp đi lại, ăn uống, tiếp khách (31%).

Yếu tố sống còn giúp các doanh nghiệp thu hút và giữ chân người tài: 74% lao động đều quan tâm, ngay cả nhân sự cấp cao cũng coi trọng hàng đầu - Ảnh 2.

Về mức lương, Navigos Group cho biết, các doanh nghiệp trong nhóm ngành Ngân hàng - Tài chính sẽ sẵn sàng đáp ứng kỳ vọng của người lao động. Nhóm ngành này được cho là có mức lương cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng chỉ đúng với cấp quản lý trở lên.

Mức lương cho nhóm ngành IT và Thương mại điện tử dự kiến sẽ rất cạnh tranh. Bởi lẽ, đây là một trong những nhóm ngành tăng trưởng nhanh nhất và đặt việc thu hút nhân tài làm ưu tiên hàng đầu. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này sẵn sàng tăng lương để đáp ứng kỳ vọng của nhân viên, còn các startup lại đưa ra nhiều đãi ngộ hấp dẫn.

Theo Navigos, để trở nên cạnh tranh hơn trong việc thu hút và giữ chân nhân sự giỏi, các doanh nghiệp nên lưu ý đến: cải tiến, xây dựng cơ chế lương thưởng và phúc lợi xã hội; hiểu rõ đội ngũ quản lý cấp trung và cấp cao để xây dựng các cơ chế lương, thưởng và phúc lợi phù hợp; xây dựng, cải tiến lộ trình về nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên.

Linh Hân

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bài viết cùng chuyên mục
Buổi phỏng vấn xin việc cho sinh viên mới ra trường chắc chắn không hề dễ dàng. Vậy nên, học cách kiểm soát tốt cảm xúc, chuẩn bị cẩn thận, chu đáo đối với mỗi một cơ hội việc làm là điều bạn nên lưu ý lúc này.
Tuyển dụng nhân sự từ xa là xu hướng của thời đại công nghệ 4.0. Vì thế, để quá trình sàng lọc nhân sự hiệu quả, chọn được những ứng viên phù hợp cần thiết có được buổi phỏng vấn online chất lượng. Để buổi phỏng vấn...
Các trang web việc làm trên Internet đang được sử dụng rộng rãi bởi cả nhà tuyển dụng và người lao động. Với rất nhiều lựa chọn và rất nhiều người sử dụng các trang web này, các nhà tuyển dụng cần phải cẩn thận khi sử dụng...
Nhằm giúp tân sinh viên hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc học đại học; trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết; truyền lửa, tạo động lực học tập... Trong Tuần hội nhập tân sinh viên khóa 14, Trường ĐH Đại Nam (DNU) đã mời...
Đây cũng là một dạng câu hỏi thường thấy trong vòng phỏng vấn, chị em nên bỏ túi đáp án để không bỡ ngỡ nhé!
0877773311